Lý do vì sao Con Đức Chúa Trời hiện đến để hủy phá công việc của Ma quỷ

Vì sao chúng ta cần phải tái sanh? Phần 3

1 Giăng 3:1–10

Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài. 2 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. 3 Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch. 4 Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp. 5 Vả, các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi. 6 Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài. 7 Hỡi các con cái bé mọn, chớ để cho ai lừa dối mình: kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình. 8 Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ. 9 Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời. 10 Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma quỉ: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.

Tại sao lại có Giáng Sinh

Hai lần trong 1 Giăng 3:1-10 chúng ta được cho biết lý do tại sao lại có ngày Giáng Sinh - tức là, tại sao Con của Đức Chúa Trời chí cao lại đến thế gian làm người. Trong câu 5, Giăng nói rằng: "Vả, các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi". Vậy, sự vô tội của Đấng Christ được khẳng định - "trong Ngài không có tội lỗi". Và lý do Ngài đến cũng được khẳng định trong câu Kinh Thánh nầy - "Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi".

Sau đó, trong câu 8, Giăng nói rằng: "Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ". Và điều Giăng đang nghĩ đến trong tâm trí mình khi ông đề cập "công việc của ma quỷ" đó là công việc tội lỗi của nó. Chúng ta nhìn thấy điều đó cũng trong câu 8 như sau: "Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu". Vậy, công việc của ma quỷ mà Chúa Jêsus đã đến để hủy diệt là công việc của tội lỗi.

Vậy, hai lần Giăng nói với chúng ta về lý do có Giáng Sinh - Con của Đức Chúa Trời trở nên giống như loài người - để cất tội lỗi của thế gian, hay để hủy diệt công việc của ma quỷ, tức là tội lỗi. Vậy, Chúa Jêsus được hoài thai bởi Đức Thánh Linh, sanh bởi một người nữ đồng trinh (Ma-thi-ơ 1:18,20), và "khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta" (Lu-ca 2:52), và Ngài đã tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:5-8; Hê-bơ-rơ 4:15) - để hủy phá công việc của ma quỷ - và để cất tội lỗi của thế gian đi.

Sự hóa thân làm người của Chúa Jêsus và sự tái sanh của chúng ta

Chúng ta đang ở trong loạt bài học nói về sự tái sanh. Vì thế câu hỏi tôi muốn đưa ra trong ngày hôm nay đó là: Đâu là mối liên hệ giữa sự sanh của Chúa Jêsus và sự tái sanh của chúng ta? Đâu là mối liên hệ giữa sự hóa thân làm người của Chúa Jêsus và sự sanh lại của chúng ta? Để trả lời câu hỏi nầy, hãy để tôi thử liên kết sứ điệp của tuần rồi với phân đoạn Kinh Thánh trong 1 Giăng 3:1-10.

Tuần trước, chúng ta đã thấy rằng lý do tại sao chúng ta cần phải sanh lại, thì câu trả lời là qua việc nhìn lại tình trạng suy đồi và thối nát trong tội lỗi rồi sau đó chúng ta nói rằng đó là lý do vì sao chúng ta cần phải sanh lại. Hoặc là, chúng ta có thể hướng đến những điều tốt lành mà chúng ta sẽ không thể có được nếu chúng ta không có sự tái sanh - giống như việc được bước vào thiên đàng vậy - rồi nói rằng đó là lý do vì sao chúng ta cần phải sanh lại. Chúng ta đã đưa ra 10 câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta cần phải sanh lại trong tình trạng đầu tiên - đó là nhìn lại con người cũ của chúng ta khi chưa có sự tái sanh. Và chúng ta cũng đã đưa ra 5 câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta cần phải sanh lại trong tình trạng thứ hai - đó là cái nhìn hướng về những điều mà chúng ta không được vui hưởng nếu không có sự tái sanh.

Tình yêu lớn lao của Đức Chúa Trời

Như vậy, cây cầu liên kết giữa sứ điệp trong tuần vừa rồi và phân đoạn Kinh Thánh của ngày hôm nay đó là tình yêu lớn lao của Đức Chúa Trời xảy đến với những con người đã chết trong lầm lỗi và tội ác mình, và họ là kẻ thù nghịch với Ngài, họ không phải là con cái của Ngài, và chính Ngài lại khiến họ trở nên sống. Trong Ê-phê-sô 2:4-5 chép như thế nầy: "Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài [!] đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu". Vì vậy, bởi tình yêu thương lớn Ngài được bày tỏ mà sự sống thuộc linh - tức là sự tái sanh - được ban cho những kẻ không hề muốn xưng nhận Đức Chúa Trời. Chúng ta chết về thuộc linh và trong tình trạng đó chúng ta bước trong hàng ngũ kẻ thù của Đức Chúa Trời, tức là ma quỷ (Ê-phê-sô 2:2). Sự công bình của Đức Chúa Trời luôn hiệu quả nếu chúng ta hư mất đời đời trong tình trạng đó. Nhưng vì lý do đó nên sự tái sanh - con người mới - là một biểu hiện tuyệt vời về tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời. "Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì [Ngài] làm cho chúng ta sống với Đấng Christ". Quý vị có được sự sống thuộc linh, và tất cả những điều đó kéo chúng ta đến với sự vĩ đại và sự tự do trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Vậy, đây là cây cầu cho phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay. Xem 1 Giăng 3:1-2, và hãy suy nghĩ cùng với tôi thể nào sứ đồ Giăng tán dươn tình yêu của Đức Chúa Trời trong phân đoạn nầy.

"Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài. Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy".

Bốn cách nhìn từ 1 Giăng 3:1-2

Hãy cùng với tôi suy gẫm về bốn cách nhìn có liên hệ với tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời trong Ê-phê-sô 2:4 trong tuần rồi và câu hỏi của chúng ta từ tuần rồi về lý do tại sao chúng ta cần phải sanh lại.

Cách nhìn 1: Được làm con của Đức Chúa Trời

Khi câu 1 nói rằng chúng ta "được xưng" là con cái của Đức Chúa Trời, điều nầy không có nghĩa rằng chúng ta từ trước là con cái của Đức Chúa Trời nhưng không được gọi như thế, và bây giờ Đức Chúa Trời gọi chúng ta là con của Ngài. Không phải như vậy, câu Kinh Thánh nầy có nghĩa là từ trước chúng ta chưa phải là con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta giống như thế gian đã được đề cập trong câu 1. Chúng ta là những kẻ đã chết và không thuộc về gia đình của Ngài. Rồi, Đức Chúa Trời gọi chúng ta là con cái. Và chúng ta trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Hãy để ý những từ sau "và chúng ta thật là". Câu 1b: chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài". Trọng tâm đó là Đức Chúa Trời khiến chúng ta trở nên con cái của Ngài. Đây là sự tái sanh. Đức Chúa Trời làm cho chúng ta sống.

Cách nhìn 2: Tình yêu vĩ đại ủa Đức Chúa Trời

Được tái sanh vào trong gia đình của Đức Chúa Trời tức là chúng ta nhận được tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời, cũng giống như trong Ê-phê-sô 2:4-5 vậy. "Hãy xem [Kìa! Điều nầy thật tuyệt!] Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời". Giăng ngạc nhiên, cũng giống như sứ đồ Phao-lô - như thể chúng ta cũng vậy - tức là những sự nổi loạn, sự chống nghịch như kẻ thù, sự chết, những con người nô lệ cho tội lỗi như chúng ta được làm cho sống, được tái sanh, và được gọi là con cái của Đức Chúa Trời. Sứ đồ giăng muốn quý vị cảm thấy phải đặt câu hỏi về vấn đề nầy.

Cách nhìn 3: Sự trọn vẹn cuối cùng của chúng ta được đảm bảo

Tình yêu tuyệt vời của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống khi chúng ta đang còn ở trong sự chết và khiến chúng ta được sanh lại và đem chúng ta vào trong gia đình của Đức Chúa Trời nhằm đảm bảo chắc chắn sự biến hóa hoàn hảo cuối cùng của chúng ta trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời đến đời đời. Hãy nhìn vào cách mà câu 2 liên hệ đến tình yêu của Đức Chúa Trời, chúng ta được làm con của Ngài ngay trong hiện tại, và cả trong tương lại mà chúng ta đang hằng mong đợi. "Hỡi kẻ rất yêu dấu [những người được Đức Chúa Trời yêu thương theo cách đầy kỳ diệu như vậy], chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy".

Sứ đồ Giăng nhìn thấy một sự liên kết không thể tách rời giữa con người hiện tại của chúng ta và sự biến hóa của chúng ta khi Đấng Christ đến. Ông bày tỏ điều đó bằng những từ "chúng ta biết". "Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ [sự biến hóa trọn vẹn giống như Đấng Christ của chúng ta là dành cho đến khi Ngài đến]. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy". Nói cách khác, địa vị làm con trọn vẹn của chúng ta đang xảy đến. Chúng ta biết rằng điều đó sẽ đến. Như thế nào? Chúng ta là con cái của Ngài. Và tất cả những gì dành cho chúng ta trong sự làm con nuôi nầy là sự biến đổi hoàn toàn của chúng ta khi chúng ta nhìn thấy Chúa Jêsus mặt đối mặt. Sự hiện diện của Ngài sẽ làm trọn điều đó cho tất cả những ai là con cái của Đức Chúa Trời. Và "chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời".

Cách nhìn thứ 4: Sự tái sanh là cần thiết

Cách nhìn thứ 4 đơn giản một điều rất rõ ràng trong cái mà chúng ta đang nhắm đến: Sự tái sanh là điều kiện tiên quyết và là sự đảm bảo trọn vẹn tương lai của chúng ta trong sự hiện diện của Đấng Christ đến đời đời. Hay, nói theo như Chúa Jêsus phán rằng: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời". Nhưng nếu quý vị những người được tái sanh thì quý vị sẽ nhìn thấy nước Đức Chúa Trời - quý vị sẽ nhìn thấy Đấng Christ và được trở nên trọn vẹn cho đến cuối cùng và vui hưởng cõi đời đời trong sự hiện diện của Ngài.

Tại sao chúng ta phải sanh lại

Vậy, ở đây chúng ta có câu trả lời của sứ đồ Giăng đối với câu hỏi Tại sao chúng ta phải sanh lại? Câu trả lời của Giăng là: Vì nếu quý vị không được tái sanh quý vị sẽ không thể nhìn thấy Chúa Jêsus và không được biến đổi giống như ảnh tượng của Ngài chỉ trong nháy mắt. Lẽ ra, quý vị sẽ sống dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, như Chúa Jêsus phán trong Giăng 3:36 vậy. Hoặc là, nói cách tích cực hơn, tức là nếu tình yêu không sao đo lường được của Đức Chúa Trời khiến quý vị được tái sanh và ban cho quý vị sự sống thuộc linh mới trong sự hiệp nhất với Chúa Jêsus Christ, thì quý vị biết rằng khi Ngài hiện đến, quý vị sẽ trở nên giống như Ngài. Bởi vì sự tái sanh, quý vị biết quý vị sẽ được vào trong nước Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao chúng ta phải sanh lại.

Sự giáng sanh của Chúa Jêsus và sự tái sanh của chúng ta

Bây giờ, chúng ta đang có được câu trả lời cho câu hỏi từ lúc ban đầu là: Đâu là mối liện hệ giữa sự giáng sanh của Chúa Jêsus và sự tái sanh của chúng ta? Đâu là mối liên hệ giữa sự hóa thân làm người của Chúa Jêsus và sự sanh lại của chúng ta? Đức Chúa Trời không thể chỉ đơn giản khiến tội nhân được tái sanh và sau đó khiến họ trở nên giống như Ngài trong thiên đàng, không cần ban Con một của Ngài xuống thế gian không được sao? Có cần phải có sự hóa thân làm người của Con Đức Chúa Trời và một đời sống vâng phục tuyệt đối và một cái chết trên thập giá chăng? Câu trả lời là: Sự tái sanh và tất cả những ảnh hưởng của nó, bao gồm đức tin và sự xưng công bình và sự làm cho thánh khiết và sự trở nên giống với Đấng Christ trên thiên đàng, sẽ không thể xảy ra nếu không có sự hóa thân làm người và sự sống lẫn sự chết của Chúa Jêsus - tức là không có Giáng sinh. Hãy cùng lướt qua điều nầy trong 1 Giăng. Và có lẽ tình yêu của quý vị dành cho Đấng Christ và sự hiện đến của Ngài được tăng lên nhiều hơn vì cớ cái nhìn thoáng qua nầy.

Trước tiên, hãy xem xét đến mục đích của sự tái sanh là kích hoạt niềm tin của chúng ta nơi Chúa Jêsus Christ là Đấng hóa thân làm người. Nếu không có Chúa Jêsus Christ để trông cậy vào Ngài, thì sự tái sanh sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Xem 1 Giăng 5:1 chép như sau: "Ai tin Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ [tức là hễ ai tin vào sự hóa thân làm người Do Thái đến từ Na-xa-rét là Đấng Mê-si-a đã được hứa từ trước], thì sanh bởi Đức Chúa Trời; và ai yêu Đức Chúa Trời là Đấng đã sanh ra, thì cũng yêu kẻ đã sanh ra bởi Ngài". Điều nầy có nghĩa là Đức Thánh Linh khiến những người được tái sanh có một cách nhìn tạo nên đức tin nơi Con-người, là Chúa Jêsus Christ (xem 1Giăng 4:2-3). Đó là mục đích của sự tái sanh. Vì thế cho nên đức tin nơi Chúa Jêsus Christ là bằng cớ cho thấy có sự tái sanh. "Ai tin Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, thì sanh bởi Đức Chúa Trời". Đức tin là dấu hiệu cho thấy có sự tái sanh.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất sự hóa thân làm người là điều kiện cần thiết để có sự tái sanh - không chỉ vì mục đích của sự tái sanh là tạo nên đức tin nơi Chúa Jêsus Christ. Sự hóa thân làm người của Con Đức Chúa Trời là cần thiết bởi vì sự sống mà chúng ta có qua sự tái sanh là sự sống hiệp nhất với Đấng Christ đã hóa thân làm người nầy. Chúa Jêsus phán rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta" (Giăng 6:51). Sự sống mà chúng ta có được trong sự hiệp một với Đấng Christ là sự sống mà Chúa Jêsus đã dành lại cho chúng ta bởi sự sống mà Ngài đã sống và sự chết mà Ngài đã chịu chết trong xác thịt.

Xem 1 Giăng 5:10-12 và hãy nhớ trong trí khi quý vị đọc thấy Con Đức Chúa Trời ở trong phân đoạn Kinh Thánh nầy là Con của Đức Chúa Trời đã hóa thân làm người. "Ai tin đến Con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình; còn ai không tin Đức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài. Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống".

Nói cách khác, sự tái sanh cho chúng ta sự sống bằng cách đẫn chúng ta bước vào sự gắn kết thuộc linh với Chúa Jêsus Christ. Ngài là sự sống của chúng ta. Sự sống mới của Ngài đang ở trong chúng ta, cùng với tất cả những sự biến đổi mà sự tái sanh đem lại, là bằng cớ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết rằng chúng ta là con cái của Ngài. Và sự sống nầy là sự sống của Con Đức Chúa Trời đã hóa thân làm người. "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta...Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài [nghĩa là sự đẫy dẫy của Đấng đã hóa thân làm người] mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn" (Giăng 1:14,16) - đó là sự tái sanh, sự sống mới.

Không có sự hóa thân làm người, Không có sự sanh lại

Vậy nếu không có sự hóa thân làm người - tức là không có sự Giáng sinh - thì không có sự sanh lại vì hai lý do: 1) Nếu không có sự hóa thân làm người, thì không có Chúa J ê sus Christ đã hóa thân làm người để tin vào, và đó là mục đích của sự tái sanh, và nếu vậy thì không có sự tái sanh. 2) Nếu không có sự hóa thân làm người, thì không có sự hiệp một hay sự gắn kết sống còn giữa chúng ta và Đấng Christ đã hóa thân làm người, và như vậy cũng không có sự tái sanh bởi vì không có nguồn sự sống.

Cơ Đốc giáo không phải là vật sở hữu duy linh hết tôn giáo nầy đến tôn giáo kia. Cơ Đốc giáo mang tính chất lịch sử xuất phát từ thân vị của Chúa Jêsus Christ. Do đó, Kinh Thánh nói rằng: "Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống (1 Giặng 5:12). "Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến" (Giăng 5:23). "ai bỏ các ngươi", thì Chúa Jêsus phán rằng: "ấy là bỏ Đấng đã sai ta" (Lu-ca 10:16). Nếu không có sự hóa thân làm người, thì cũng không có sự hiệp một với Đức Chúa Con hay Đức Chúa Cha, và không có sự tái sanh, và cũng không có sự cứu rỗi.

Sự hóa thân làm người và sự thánh khiết

Vậy, không có sự hóa thân làm người của Con Đức Chúa Trời là Đấng Mê-si-a, tức là Chúa Jêsus Christ, thì cũng không có sự sanh lại và cũng không có đức tin cứu rỗi. Và chúng ta có thể thêm vào một cách ngắn gọn rằng: cũng không có sự xưng công bình và sự thánh khiết. Mà không có những điều nầy, thì cũng không có sự cứu rỗi cuối cùng. Xem 1 Giăng 3:3-5 chép như sau: "Ai có sự trông cậy đó trong lòng [nói cách khác, tức là mỗi con cái của Đức Chúa Trời là những người chắc chắn được trở nên giống như Đấng Christ khi Ngài đến], thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch. Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp. Vả, các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi".

Cả hai, sự công bình và sự thánh khiết đều có ngụ ý bao hàm trong đó. Sự thánh khiết thì rất rõ ràng. Sứ đồ Giăng nói rằng: nếu anh em có kinh nghiệm về sự tái sanh, anh em sẽ yêu mến ngày hiện đến của Đấng Christ và mong chờ đến ngày ấy là lúc anh em sẽ được biến đổi theo giống như ảnh tượng hoàn hảo của Ngài (như câu 2 nói rằng: "khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài"). Rồi sau đó sứ đồ Giăng nói trong câu 3 rằng: "Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch". Điều đó có nghĩa là hễ ai yêu mến ngày mà Ngài làm cho chúng ta nên thanh sạch thì yêu mến sự thanh sạch ngay hiện tại, và ghét sự bất khiết ngay hôm nay, và tranh chiến với tội lỗi mỗi ngày.

Tức là sự tái sanh, là điều làm thức tỉnh đức tin và đổ đầy tấm lòng chúng ta bằng sự yêu mến ngày thanh sạch cuối cùng vĩ đại đó, lại sản sinh tinh thần tranh đấu cho sự thanh sạch. Vì vậy, cũng như không có sự sanh lại mà không có sự hóa thân làm người, thì sẽ không có sự thánh khiết ở hiện tại và cũng không có sự trở nên thanh sạch giống như Đấng Christ trong ngày cuối cùng, nếu không có sự hóa thân làm người.

Cơ Đốc giáo không phải là chương trình phổ thông để thay đổi tư cách đạo đức phảng phất từ tôn giáo nầy sang tôn giáo khác. Sự biến đổi được đâm rễ lâu bền trong Chúa Jêsus Christ. Sự tái sanh thức tỉnh đức tin trong Ngài. Và Ngài - là Đấng hóa thân làm người duy nhất - bảo đảo sự thanh sạch cuối cùng của chúng ta. Và chúng ta, với niềm hy vọng không đổi dời ở trong Ngài, phải tự làm thanh sạch mình như chính Ngài vậy.

Sự hóa thân làm người và sự xưng công bình

Công tác vĩ đại cuối cùng mà Đức Chúa Trời để lại đó là: sự xưng công bình. Nó được cất giấu trong 1 Giăng 3:4-5. Ngay sau khi nói rằng ai được tái sanh và đặt lòng trông cậy của mình vào sự trở nên thanh sạch hoàn toàn giống như Đấng Christ trong ngày cuối cùng, thì sứ đồ Giăng đề cập một điều gì đó về tội lỗi nghe có vẻ không hấp dẫn. Ông nói rằng: "Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp. Vả, các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi".

Mục đích của việc đề cập về "tội lỗi là trái luật pháp" bất ngờ như vậy là gì và có phải hết thảy mọi tội lỗi đều trái luật pháp sao? Rồi sau đó nhắc đến việc Đấng Christ đã hiện đến "để cất tội lỗi đi" là như thế nào? Tôi nghĩ điểm mấu chốt là đây. Ông muốn làm rõ về công tác cứu chuộc vĩ đại của Đấng Christ dành cho chúng ta không chỉ kích hoạt việc khiến chúng ta trở nên thanh sạch thôi đâu. Ngôn ngữ nói về sự làm sạch và làm cho thanh sạch gặp thất bại khá lớn nếu chỉ có ý muốn nói về phương diện tội lỗi của chúng ta, tức là hết thảy mọi tội lỗi đều là trái luật pháp. Chúng ta không chỉ bị nhơ nhuốc mà cần đến sự làm thanh sạch thôi đâu, chúng ta mắc phải tội lỗi cần phải được tha thứ và cơn thịnh nộ cần được làm nguôi lại, và việc không có sự công bình cần được kể cho chúng ta.

Đó là lý do vì sao ông nói trong câu 4-5 rằng: "Sự tội lỗi tức là trái luật pháp. Vả, các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi". Việc "cất tội lỗi đi" không chỉ có ý nói là làm cho thanh sạch. Đây là công tác của Đấng Christ trong việc cất đi tội lỗi, và cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời ở trên tội lỗi. Và Đấng Christ đã làm điều đó như thế nào? Ngài đã làm điều đó qua sự hóa thân làm người và sống rồi chịu chết. Ở đây có hai phân đoạn từ 1 Giăng cho thấy suy nghĩ của sứ đồ Giăng về phạm trù nầy.

Đầu tiên, 1 Giăng 4:10 chép rằng: "Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta". Ngài đã sai chính Con Ngài - tức là xuống thế gian để làm người - để chịu chết thay cho chúng ta và để làm thỏa mãn cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và để làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta.

Thứ hai, 1 Giăng 2:1 chép rằng: "Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình". Tại sao Chúa Jêsus ở trên thiên đàng được gọi cách thẳng thừng là "Đấng công bình" khi ông mô tả Ngài là Đấng cầu thay mà chúng ta cần khi có ai phạm tội? Đó là vì những gì Ngài cầu thay trước mặt Đức Chúa Cha không chỉ là huyết của Ngài, mà còn sự công bình của Ngài nữa. Đó cũng là điều 1 Giăng 3:5 chép rằng: "trong Ngài không có tội lỗi". Sự toàn vẹn mà chúng ta không có, thì Chúa Jêsus cung ứng cho chúng ta. Sự phán xét mà chúng ta không muốn phải chịu, thì Chúa Jêsus đã chịu thay cho chúng ta.

Giáng sinh chưa bao giờ là sự lựa chọn

Tất cả những điều nầy là vì cớ sự ra đời của Ngài. Ngài đã hóa thân làm người. Ngài là Con-người. Không có sự hóa thân làm người, không có sự sanh lại. Không có đức tin. Không có sự xưng công bình. Không có sự làm cho thanh sạch. Không có sự vinh hiển sau cùng. Giáng sinh không phải là lựa chọn. Và như thế, sự giàu lòng thương xót, tình yêu thương lớn Ngài đã yêu chúng ta, trong khi chúng ta còn là người có tội, thì Đức Chúa Trời đã sai chính Con một của Ngài đến thế gian để sống môt cuộc đời vô tội và chịu chết thay cho chúng ta. Quả là một tình yêu vĩ đại mà Đức Chúa Cha đã bày tỏ ra cho chúng ta! Thật là một sự vâng phục và hy sinh mà Chúa Jêsus đã dành cho chúng ta! Thật là một sự thức tỉnh mạnh mẽ mà Đức Thánh Linh đã làm việc bên trong chúng ta để đem chúng ta đến với đức tin và sự sống đời đời! A-men.