Chúng ta như thế nào trong sự tái sanh

Vậy, anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra. 14 Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội. 15 Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, 16 bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh. 17 Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy, 18 vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, 19 bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít, 20 đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em, 21 là kẻ nhân Đức Chúa Jêsus tin đến Đức Chúa Trời, tức là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, và ban sự vinh hiển cho Ngài đến nỗi đức tin và sự trông cậy anh em được nương nhờ Đức Chúa Trời. 22 Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; 23 anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời. 24 Vì, mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, 25 nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.

Tôi đang đọc cuốn tự truyện của Vị quan tòa tối cao Clarence Thomas, Con Trai Của Ông Tôi: Một quyển hồi ký . Cậu ta được nuôi dạy như một người đạo Thiên Chúa giáo và học tại trường Cao đẳng Holy Cross tại Worcester, Massachusetts. Nhưng đang khi ở tại đó, ông rút khỏi đường lối của hội thánh, dầu không phải là mãi mãi. Sau đây là những gì ông nói:

Trong suốt tuần thứ hai của tôi tại trường Cao đẳng, tôi đã đi đến Mass cho lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tại trường Holy Cross. Tôi không biết vì cớ gì bản thân lại bực bội - hình như đó là tính khí, hay vì phạm tôi gì đó chăng - nhưng cho dù lý do gì đi nữa, tôi đã đứng dậy và bước ra khỏi nửa chừng những lời thuyết lý đạo đức. Tất cả chỉ là những giáo điều, không phải vì những vấn đề xã hội nào đó mà tôi lại bị ám ảnh và dường như đối với tôi đó là những điều vô nghĩa chẳng thích hợp. (51)

Sự thích đáng thật - Dù quý vị biết đến nó hay không

Là một diễn giả, tôi suy nghĩ rất nhiều về sự thích đáng. Tức là, tại sao mọi người đều phải lắng nghe những gì tôi nói? Tại sao họ lại quan tâm? Sự thích đáng là một cụm từ rất mơ hồ. Nó có thể có nhiều hơn một nghĩa nào đó. Nó có thể có nghĩa như: một bài giảng chỉ thích hợp nếu bài giảng đó khiến người nghe cảm thấy những lời dạy đó đem lại một sự khác biệt quan trọng trong đời sống của họ. Hay nó có thể có nghĩa là: một bài giảng được xem là thích hợp nếu bài giảng đó sẽ đem lại sự khác biệt quan trọng trong đời sống của họ cho dù họ có cảm thấy những lời dạy đó hay không. Sự thích hợp thứ hai chính là kim chỉ nam cho những bài giảng của tôi. Nói cách khác, tôi muốn chia sẻ những điều thực sự quan trọng cho đời sống của quý vị cho dù quý vị có biết đến những điều đó hay không đi nữa. Tôi thực hiện điều đó bằng cách cố gắng đến thật gần với những điều Đức Chúa Trời muốn phán nhất có thể vì đó là những lời dạy dỗ rất quan trọng, không phải những gì chúng ta nghĩ là quan trọng hơn lời của Đức Chúa Trời.

Vì thế trong bất kỳ buổi nhóm nào - giống như buổi nhóm nầy đây - hàng tá những người trẻ, đầy lý tưởng như Clarence Thomases đang hiện diện ở đây, đầy phẫn nộ trước nạn phân biệt chủng tộc, hay sự nóng lên toàn cầu, hay tình trạng phá thai, hay việc trẻ em thiếu sự quan tâm về sức khỏe, hay tình trạng vô gia cư, nghèo đói, hay chiến tranh ở I-rắc, hay tội phạm công chức, hay nạn buôn bán người, hay căn bệnh AIDS lan rộng trên toàn cầu, hay tình trạng mồ côi cha đang lan tràn, hay sự tham lam đằng sau tình trạng cho vay thế chấp, hay tình trạng đối xử với người nhập cư bất hợp pháp, hay tình cảnh của những Cơ Đốc nhân mới ra khỏi tù. Và sau đó, họ lắng nghe tôi tuyên bố rằng ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng hướng đến những phương cách mà một người có thể được tái sanh. Và họ có thể phản ứng giống như Clarence Thomas đã làm và chỉ đơn giản bước ra khỏi chỗ nầy rồi nói rằng: Điều nầy chẳng liên quan gì đến những vấn đề thực sự xảy ra mà thế giới nầy đang đối diện.

Sự thích đáng nhất của Sự tái sanh

Họ có thể sai - sai về cả hai. Họ sai, ngay trong lần đầu tiên, trong cách nhìn sai trật trước những gì Chúa Jêsus dạy về sự tái sanh vì đây là điều thích tháng nhất đối với tình trạng phân biệt chủng tộc, trái đất ấm lên, phá thai, chăm sóc sức khỏe và tất cả những vấn đề của ngày hôm nay. Chúng ta sẽ nhìn thấy trong những tuần sắp đến bông trái cần thiết cho sự tái sanh sẽ như thế nào.

Và họ chắc chắn sẽ sai, lần thứ hai, trong việc nghĩ rằng đó là những vấn đề quan trọng nhất của đời sống. Chúng hoàn toàn không quan trọng. Đó là những vấn đề về sự sống và sự chết của đời nầy. Nhưng chúng không phải là điều quan trọng nhất, bởi vì tất cả đều liên quan đến việc giải thoát khỏi sự đau khổ trong đời tạm nầy, không phải giải thoát khỏi sự đau khổ để có được sự sống đời đời trong đời sau. Hay nói một cách tích cực hơn, tất cả đều liên quan đến việc làm thế nào để sống tốt đến tám mươi tuổi hay tương tự như vậy, nhưng không phải làm thế nào để có được sự sống vượt trội tối đa trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho tám ngàn tỷ năm sắp đến hay đại loại như thế.

Việc của tôi là một phát ngôn viên của Đức Chúa Trời hết tuần nầy sang tuần khác đó là vật lộn với những vấn đề quan trọng nhất, và để gần gũi với ý muốn của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Kinh Thánh (hầu cho cá nhân quý vị có thể nhìn thấy), và để cầu nguyện hầu cho bởi ân điển của Đức Chúa Trời, những người trẻ, đầy lý tưởng, phẫn nộ như Clarence Thomases trong đám đông, và cho tất cả mọi người, đều sẽ nhìn thấy và cảm biết được những lời phán của Đức Chúa Trời là quan trọng.

Nhìn xem và chiêm ngưỡng sự oai nghi tráng lệ của Chúa Jêsus

Chúa Jêsus phán trong Giăng 3:3 rằng: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời". Không nhìn thấy nước Đức Chúa Trời tức là không được kể vào nước Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phán trong Ma-thi-ơ 8:11-12 rằng "chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng". Ngài gọi đó là sự "hình phạt đời đời" (Ma-thi-ơ 25:46). Sự chọn lựa đó là được ở trong nước Đức Chúa Trời và đời đời ở trong sự vui mừng mãi mãi với một Đấng vĩ đại nhất cả cõi vũ trụ nầy (Giăng 17:24).

Không điều gì quan trọng hơn sự vinh hiển của Đấng Christ được nhìn xem và chiêm ngưỡng cách cá nhân trong nước của Đức Chúa Trời cùng với rất nhiều người nhóm lại nhân danh Ngài. Và đó sẽ là ngày cả trái đất tràn ngập sự bình an và công chính như nước tràn ngập biển hồ vậy. Vì thế tôi hy vọng rằng quý vị không bỏ đi - vì cớ lợi ích cho linh hồn của quý vị và vì cớ ích lợi cho cả thế giới nầy.

Phần của chúng ta trong sự tái sanh: Đức tin

Câu hỏi thứ mười trong loạt sứ điệp nói về sự tái sanh là: Phần của chúng ta là gì? Chúng ta làm gì trong sự tái sanh? Chúng ta có thể dự phần như thế nào trong sự tái sanh? Hãy để tôi đưa ra câu trả lời đầu tiên mà tôi tìm thấy được trong Kinh Thánh, rồi sau đó chúng ta sẽ quay trở lại để tìm xem điều nầy được tìm thấy ở đâu.

Phần của quý vị trong sự tái sanh đó là đức tin - tin vào sự đóng đinh và sự sống lại của Con Đức Chúa Trời, là Chúa Jêsus Christ, là Đấng Cứu Rỗi, là Chúa và là Kho Báu của đời sống chúng ta. Điều quý vị lam trong sự tái sanh đó là đặt niềm tin nơi Đấng Christ. Cách quý vị dự phần trong sự tái sanh đó là tiếp nhận Đấng Christ như chính Ngài thực sự là Đấng Cứu Rỗi cao quý nhất, là Chúa và là Kho báu của cả cõi vũ trụ nầy.

Tính thống nhất của sự tái sanh và đức tin

Câu trả lời tiếp tục như sau: Hành động tin cậy của quý vị và công tác tái sanh của Đức Chúa Trời đều xảy ra đồng thời. Quý vị thực hiện phần của mình, Ngài thực hiện phần của Ngài đồng thời ngay lúc đó. Và - điều nầy rất quan trọng - việc Ngài làm là nguyên nhân quyết định phần của quý vị. Công tác tái sanh của Ngài là nguyên nhân quyết định niềm tin của quý vị.

Nếu quý vị cảm thấy khó khăn khi nghĩ đến điều nầy là nguyên nhân của điều kia trong cùng một lúc như vậy, thì hãy nghĩ đến ngọn lửa, sức nóng hay lửa và ánh sáng chẳng hạn. Có lửa thì có sức nóng. Có lửa thì có ánh sáng. Nhưng chúng ta không nói rằng hơi nóng khiến lửa phát sinh, hay ánh sáng khiến có lửa được. Chúng ta nói rằng có lửa thì mới có hơi nóng và ánh sáng.

Vì thế đó là câu trả lời mà tôi nhìn thấy trong Kinh Thánh cho câu hỏi Phần của chúng ta trong sự tái sanh là gì? Bây giờ, hãy cùng nhìn vào vài phân đoạn Kinh Thánh.

"Vâng theo Lẽ thật"

Chúng ta sẽ bắt đầu từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta trong I Phi-e-rơ 1:22-23 "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời".

Hãy để ý vài chi tiết ở đây. Điều đầu tiên đó là mục đích của những gì đang diễn ra là tinh yêu thương. "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà". Đặng - hay để- có lòng yêu thương anh em cách thật thà. Vậy, sự làm sạch tấm lòng tự nó không cho thấy tình yêu thương anh em - chưa hẳn. Sự làm sạch tấm lòng là "đặng có lòng yêu thương anh em". Tức là "để cuối cùng có tình yêu thương anh em". Tình yêu thương là bông trái của Thánh Linh. Vậy, câu 22 ngụ ý rằng có điều gì đó còn hơn cả tình yêu thương anh em đang hiện hữu khi Kinh Thánh nói rằng "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình".

"Sự vâng theo" ở đây không phải là sự vâng phục của tình yêu thương. Sự vâng theo nầy dẫn đến sự vâng phục trong tình yêu thương. Vậy thì điều nầy có ý nghĩa gì? Đó là cách đáp ứng đúng với "lẽ thật". Điều nầy được gọi là "vâng theo lẽ thật" (câu 22). Còn lẽ thật đó là gì? Theo như phân đoạn Kinh Thánh nầy, thì lẽ thật giống như Lời của Đức Chúa Trời, được đề cập trong câu 23 ("bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời"). Và chính Lời của Đức Chúa Trời đó lại được đề cập trong câu 25 gọi là Tin lành, Phúc âm: "lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em". Vì vậy, việc vâng theo lẽ thật trong câu 22 nghĩa là vâng theo đạo Tin Lành.

Vâng theo Phúc Âm: Tin nơi Chúa Jêsus

Và việc vâng theo đạo Tin Lành có ngụ ý gì? Có nghĩa là tin nơi Chúa Jêsus, bởi vì Phúc Âm cung ứng sự "tin nơi Chúa Jêsus thì ngươi sẽ được cứu" (Công vụ 16:31; I Cô-rinh-tô 15:1-2). Mạng lệnh đầu tiên và căn bản của Phúc Âm không phải là yêu thương anh em. Điều Phúc Âm đòi hỏi trước hết là đức tin. Vì vậy, vâng theo đạo Tin Lành với mức độ căn bản là phải có đức tin. Quý vị có thể nhìn thấy đó là cách sứ đồ Phi-e-rơ luôn đề cập đến trong chương 3, là phân đoạn Kinh Thánh cho thấy những người làm chồng không có đức tin nơi Đấng Christ được gọi là "không vâng theo Đạo" - "Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo (I Phi-e-rơ 3:1). Không vâng theo Đạo nghĩa là họ không phải là tin đồ. Cũng những điều tương tự được đề cập trong I Phi-e-rơ 2:8 ("không vâng phục Đạo") và 4:17 ("những kẻ chẳng vâng theo Tin lành Đức Chúa Trời "). Vậy, không vâng phục Đạo nghĩa là không vâng theo Tin lành, tức là không tin.

Sứ đồ Phao-lô cũng nói như thế trong II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8 là chỗ ông nói rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng sự "báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Nói cách khác, Phúc âm của Đức Chúa Jêsus đòi hỏi đức tin, và đây là những người đã không vâng phục. Họ đã không tin. Họ khước từ "đạo chân thật, là đạo Tin lành" (Ê-phê-sô 1:13, Cô-lô-se 1:5).

Vậy, khi I Phi-e-rơ 1:22 nói rằng anh em đã "vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà", ông muốn nói rằng "anh em đã làm sạch lòng mình bởi đức tin nơi Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ và bởi đó mà có tình yêu thương anh em". Đức tin bày tỏ qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6). Tình yêu thương đến từ đức tin thật (I Ti-mô-thê 1:5).

Đức Tin: Kích hoạt sự tái sanh

Bây giờ, quý vị còn nhớ không trong Giăng 3:5 và Tít 3:5, sự tái sanh bao gồm sự làm sạch - hình ảnh nước và sự rửa. Chúa Jêsus phán rằng: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời". Sứ đồ Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời "cứu chúng ta...bởi sự rửa về sự lại sanh". Vì thế, khi sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng tấm lòng của chúng ta đã được làm sạch bởi vâng theo lẽ thật - tức là, bởi tin nơi Phúc âm - và nói như thế nghĩa là chính sự làm sạch nầy dẫn đến tình yêu thương, và không còn là con người cũ nữa khi bày tỏ tình yêu thương, tôi nghĩ ý ông muốn nói rằng sự làm sạch nầy là sự làm sạch về sự tái sanh. Đây chính là sự làm sạch được nói đến như nước trong Giăng 3:5 và như sự rửa trong Tít 3:5. Đây là sự tái sanh.

Điều nầy ngụ ý sự tái sanh là sự "vâng theo lẽ thật". Tức là, sự tái sanh chính là bởi tin nơi Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ. Đó là lý do vì sao tôi nói phần của chúng ta trong sự tái sanh là đức tin. Khi tin chúng ta kích hoạt sự tái sanh.

Đức Chúa Trời là Đấng thúc đẩy đức tin của chúng ta

Trong câu 23, sứ đồ Phi-e-rơ giải thích điều nầy với ngôn từ của sự sanh lại. Hãy cùng đọc cả hai câu Kinh Thánh (22-23) để quý vị có thể nhìn thấy mối liên hệ: "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; anh em đã được lại sanh [nghĩa là: có sự sanh lại rồi], chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời". Mối liên hệ giữa động thái của chúng ta trong sự tái sanh (câu 22) và công tác của Đức Chúa Trời trong sự tái sanh (câu 23) là một mối liên hệ có ảnh hưởng và có sự thúc đẩy. Công tác của Đức Chúa Trời nằm ở dưới động thái của chúng ta. Chúng ta làm sạch tấm lòng của mình qua sự vâng theo đạo Tin lành, tức là, chúng ta làm ra sự lại sanh; và chúng ta có thể làm được điều đó vì cớ Đức Chúa Trời khiến chúng ta được lại sanh.

Có 3 manh mối trong phân đoạn Kinh Thánh nầy cho thấy công tác của Đức Chúa Trời là nguyên nhân cho mọi hành động của chúng ta trong sự tái sanh. Tức là, Đức Chúa Trời là Đấng thúc đẩy đức tin của chúng ta.

1) Theo thứ tự: Sự tái sanh, Đức Tin, Tình yêu thương

Trước tiên chỉ đơn giản là thứ tự của những câu Kinh Thánh sau: Câu 22 chứa đựng một mạng lệnh: "hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng". Và câu 22 còn chứa đựng một điều kiện cần trước hết cho loại yêu thương nầy, đó là, chúng ta đã làm sạch lòng mình bởi đức tin nơi Phúc âm. Sau đó, là câu Kinh Thánh, như thường lệ, trong câu 23 dường như là câu Kinh Thánh chứa đựng điều kiện cần trước hết cho cả hai điều nói trên. Bởi vì công tác của Đức Chúa Trời là thúc đẩy, nên quý vị có thể tin vào Phúc âm, là điều làm sạch tấm lòng của quý vị và sau đó là yêu thương lẫn nhau. Vì thế, sự thúc đẩy của Đức Chúa Trời nằm sâu bên dưới đức tin và tình yêu thương của chúng ta. Chính điều đó khiến cho đức tin và tình yêu thương trở nên có thể.

2) Công cụ: Phúc Âm

Manh mối thứ hai chứng tỏ Đức Chúa Trời là Đấng thúc đẩy đức tin của chúng ta đó là Đức Chúa Trời khiến Lời trở thành công cụ cho sự tái sanh, câu 23 chép rằng: "anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời". Vài người cho rằng giống chẳng hư nát trong câu 23 là Đức Thánh Linh, và giống đó có thể là Ngài (xem I Giăng 3:9). Nhưng tôi lại có khuynh hướng cho rằng "giống chẳng hư nát" là Lời của Đức Chúa Trời". Giống ở đây được mô tả là "chẳng hư nát". Và Lời được nhắc đến là "hằng sống và bền vững". Cả hai gần như giống nhau. Vì thế, tôi cho rằng "sanh...bởi giống chẳng hư nát" là đồng nghĩa với "[sanh] bởi lời hằng sống và bền vững". Điều nầy được quả quyết cách chắc chắn trong câu 24-25, tất cả đều tập trung vào lời, không phải Thánh Linh.

Vậy, mục đích Đức Chúa Trời khiến lời trở thành công cụ trong sự tái sanh và khuynh hướng lời tác động trong sự tái sanh chính là qua việc thúc đẩy đức tin. Đó là những gì sứ đồ Phao-lô đang nói đến trong Rô-ma 10:17 như sau: "Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng". Vậy, nếu phần của chúng ta trong sự tái sanh là tin, và nếu lời thúc đẩy đức tin (và câu 24 nói rằng Đức Chúa Trời làm ra sự tái sanh "khi lời...được rao giảng"), thì đằng sau lời và đức tin của chúng ta chính là bàn tay quyết định của Đức Chúa Trời. Đây là những gì sứ đồ Gia-cơ nói trong Gia-cơ 1:18 "Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta".

3) Diễn Viên Chính: Đức Chúa Trời

Manh mối thứ ba chứng tỏ Đức Chúa Trời là Đấng thúc đẩy đức tin của chúng ta đó là những gì Phi-e-rơ nói ở hội đồng tại thành Giê-ru-sa-lem trong sách Công-vụ rằng dân ngoại và người Do thái cả hai đều được cứu, chứ không chỉ người Do thái mà thôi. Và cách mà ông nói là như sau: "[Ngài] chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch" (Công vụ 15:9). Ở đây, ông cũng nói cùng một cách như thế trong I Phi-e-rơ 1:22 rằng: "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình..." Tức là, "bởi đức tin anh em đã làm sạch lòng mình..." Chỉ trong Công-vụ 15:9 ông đưa ra vài điều rất quan trọng: Ông nói rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời làm điều đó qua đức tin của chúng ta. "[Ngài] chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch". Đức Chúa Trời làm sạch tấm lòng của họ vì cớ đức tin của họ. Điều nầy cho chúng ta thấy rằng đức tin của chúng ta là phần rất quan trọng và rất hữu ích trong việc thực hiện sự tái sanh. Nhưng đức tin chưa hẳn là chính yếu nhất. Đức tin không thể tự nó làm thúc đẩy. Đức Chúa Trời là Đấng làm sự đó.

Điều nầy có ý nghĩa gì cho chúng ta

Điều nầy có ý nghĩa gì với quý vị? Nó có đến 4 điều, và tôi cầu nguyện rằng quý vị sẽ tiếp nhận những điều nầy với sự vui mừng.

1) Điều đó có nghĩa là quý vị phải tin để được cứu. "Hãy tin Đức Chúa Jêsus Christ thì ngươi sẽ được cứu" (Công-vụ 16:31). Sự tái sanh không lấy mất vị trí của đức tin; sự tái sanh không thể thiếu đức tin. Sự tái sanh là sự sản sinh đức tin.

2) Điều đó có nghĩa rằng nếu quý vị bỉ bỏ mặt thì quý vị sẽ không tin. Chẳng có hy vọng nào cho kẻ đã chết có thể tự mình sống lại được.

3) Đức Chúa Trời, Đấng giàu ơn và đầy dẫy tình yêu thương và ân điển tối cao, chính là Đấng thúc đẩy đức tin của quý vị.

4) Theo như câu 22, bông trái của một tấm lòng được tái sanh là tình yêu thương. Điều đó có nghĩa là không có sự gì trên đời nầy là không được đụng chạm bởi sự tái sanh: sự phân biệt chủng tộc, sự nóng lên của địa cầu, tình trạng phá thai, trẻ em thiếu sự chăm sóc về mặt sức khỏe, tình trạng vô gia cư, sự nghèo đói, chiến tranh tại I-rắc, tội phạm công chức, nạn buôn người, khủng hoảng bệnh AIDS khắp địa cầu, tình trạng mồ côi cha lan tràn, nạn tham nhũng đằng sau cuộc khủng hoảng về cho vay thế chấp, tình trạng đối xử với những người nhập cư bất hợp pháp, hay hoàn cảnh của những Cơ Đốc nhân mới ra khỏi tù. Không điều gì không được đụng chạm. Và điều quan trọng hơn hết, đó là quý vị được ở trong nước Đức Chúa Trời, và quý vị được nhìn thấy Chúa Jêsus, đến đời đời.

Hãy tin và tiếp nhận

Do đó, tôi nài xin quý vị nhân danh Đấng Christ, hãy tin Đức Chúa Jêsus Christ. Hãy tiếp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi và là Chúa, là Báu Vật của cuộc đời quý vị. Và, hỡi những người là Cơ Đốc nhân, hãy hạ mình dưới cánh tay ân điển của Đức Chúa Trời, và cới tư cách là con cái đời đời đắc thắng của Đức Chúa Trời, hãy dâng cuộc đời mình để an ủi sự khốn cùng, đặc biệt là an ủi những nỗi thống khổ đang dần đi đến cõi đời đời.