Chỉ Khoe Mình Về Thập Tự Giá

Passion's OneDay 2000

Memphis, TN

Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!

Quý vị không cần phải biết tất cả mọi thứ trong đời nầy mới đem lại sự khác biệt cho thế giới. Nhưng quý vị cần phải biết vài điều quan trọng, rồi sẵn sàng sống và liều chết với những điều đó. Những người tạo nên sự khác biệt lớn cho thế giới họ không phải là những chuyên gia về mọi thứ, nhưng họ bị chi phối bởi chỉ vài điều rất quan trọng mà thôi. Nếu quý vị muốn sống một cuộc đời có kết quả, nếu quý vị muốn khiến những gợn sóng lăng tăng từ những hòn đá nhỏ quý vị bỏ xuống nước trở thành những làn sóng ập vào đến những nơi cuối cùng của đất và cứ tiếp tục cuộn lên những cơn sóng như thế cho đến suốt cõi đời đời, thì quý vị không cần phải có chỉ số IQ hay EQ thật cao đâu; quý vị không cần phải trông thật đẹp hay giàu có; quý vị không cần phải có xuất thân từ một gia đình đạo đức tốt hay học ở một ngôi trường tiêu chuẩn nào đó đâu. Tất cả những gì quý vị cần biết đó là vài điều quan trọng, cao cả, vững bền, rõ ràng, đơn giản, đầy vinh hiển và quý vị phải bị đốt cháy rực lên vì những điều đó.

Nhưng tôi biết không phải mọi người trong đám đông ngày hôm nay muốn cuộc đời mình tạo nên điều gì đó khác biệt. Có hàng trăm người trong số quý vị - họ không quan tâm đến liệu quý vị có tạo ra sự khác biệt to tát nào đó vì cớ điều vĩ đại nào đó hay không, quý vị chỉ muốn mọi người để ý đến mình. Nếu mọi người chỉ để ý đến quý vị, cũng đủ cho quý vị cảm thấy thỏa mãn rồi. Hay nếu quý vị có được công việc thật tốt, một người vợ hiền và vài đứa con ngoan cùng với một chiếc xe hơi thật đẹp và những kỳ nghỉ cuối tuần với những đứa bạn thân, một kỳ nghỉ hưu thật thoải mái, một cái chết nhanh chóng và thanh thản nhưng không phải xuống địa ngục - nếu quý vị có được những điều đó (trừ ra Đứa Chúa Trời) - quý vị đã cảm thấy thỏa mãn rồi. ĐÓ là thảm họa của cái gọi là thành công.

Những Bằng Chứng Cho Thấy Cuộc Đời Không Lãng Phí

Ba tuần trước, chúng tôi biết được thông tin về Ruby Eliason và Laura Edwards tại nhà thờ rằng cả hai qua đời tại Cameroon. Ruby hơn 80 tuổi. Sống độc thân cả đời, bà sống chỉ vì một điều vĩ đại nhất, đó là: Rao truyền danh Chúa Jêsus Christ giữa vòng những người nghèo và bệnh tật không ai biết đến. Laura là một góa phụ, một bác sĩ y khoa, sống đến 80 tuổi, phục vụ bên cạnh Ruby tại Cameroon. Cái thắng xe đã không hoạt động tốt, chiếc xe bay khỏi vách núi và cả hai bị chết ngay sau đó. Tôi hỏi hội chúng của mình: có phải đó là một thảm kịch chăng? Hai mạng người, được lèo lái bởi một điều rất vĩ đại, phục vụ những người nghèo cơ nhỡ, ở một nơi chưa hề có người nào đặt chân đến, vì sự vinh hiển của Chúa Jêsus Christ - hai thập kỷ sau đó, hầu hết những người Mỹ giống hệt như họ, đều đã nghỉ hưu để gieo cuộc đời mình vào những chuyện dường như rất nhỏ nhặt nào đó tại Florida hay New Mexico. Không. Đó không phải là thảm kịch. Đó là điều đáng tự hào.

Tôi sẽ cho quý vị biết như thế nào là thảm kịch. Tôi sẽ đọc cho quý vị nghe từ tạp chí Reader's Digest (Tháng 2/2000, tr. 98) một thảm kịch như sau: "Bob và Penny...đã quyết định nghỉ hưu sớm khỏi công việc của mình ở Northeast 5 năm trước khi chồng chỉ mới 59 tuổi, còn vợ được 51 tuổi. Hiện nay họ đang sống ở Punta Gorda, Florida, là nơi họ thường dạo chơi trên biển bằng con tàu đánh cá dài 30 foot của mình, chơi bóng chày và sưu tập những vỏ sò". American Dream hiện đến vào cuối cuộc đời của quý vị - cuộc đời duy nhất và chỉ có một lần của quý vị - và để lại những gì vĩ đại nhất trước khi quý vị đối mặt với Đấng Tạo Hóa, nói rằng: "Tôi sưu tập những vỏ sò. Xem nè, đây là những vỏ sò của tôi". ĐÓ là một thảm kịch. Và con người ngày nay chi hàng triệu đô-la để thuyết phục quý vị sống với cái giấc mơ đầy thảm thương đó. Và tôi có bốn mươi phút để nài xin với quý vị điều nầy: đừng mua.

Đừng lãng phí cuộc đời. Nó rất ngắn ngủi và rất đáng quý. Tôi đã lớn lên trong một gia đình, cha tôi dành cả cuộc đời mình như một người ra đi truyền đạo để đem Phúc Âm của Chúa Jêsus Christ đến với những người hư mất. Một khải tượng duy nhất luôn chi phối cuộc đời của ông đó là: Giảng Phúc Âm. Một tấm bảng lúc nào cũng treo trong nhà bếp của chúng tôi suốt quãng thời gian rất dài lúc tôi đương lớn lên. Giờ đây, nó đang được treo trong phòng khách của gia đình tôi. Tôi để ý đến nó hầu như mỗi ngày trong vòng 48 năm qua. Tấm bảng đó nói rằng: "Chỉ một cuộc đời, nó sẽ chóng qua. Chỉ việc đã làm cho Đấng Christ còn mãi".

Tôi đang đứng ở đây tại buổi hội nghị OneDay với cảm giác như một người cha. Tôi đã 54 tuổi rồi. Tôi có bốn đứa con trai và một con gái: Karsten 27 tuổi, Benjamin 24 tuổi, Abraham 20 tuổi, Barnabas 17 tuổi, Talitha chỉ mới 4 tuổi. Có vài điều đang ở trong lòng khiến tôi phải mong mỏi nhiều hơn những năm tháng còn lại của đời mình đó là những đứa con của tôi không phải sống một cuộc đời lãng phí trong cái gọi là thành công đầy nguy hiểm nầy.

Lời Nài Xin Của Một Người Cha Yêu Thương

Vì vậy, quý vị như những đứa con trai và con gái mà tôi đang nài xin như một người cha - tất nhiên kiểu người cha mà quý vị chưa từng có. Hay người cha mà quý vị đang sống với không có được những khải tượng mà tôi muốn chỉ cho quý vị thấy, và Đức Chúa Trời có dành cho quý vị. Hay có thể người cha mà quý vị đang sống với cũng CÓ khải tượng đấy, nhưng chỉ toàn nói về tiền bạc và địa vị. Tôi xem quý vị như con trai và con gái, và tôi nài xin quý vị rằng: quý vị muốn cuộc đời mình làm được điều gì đó thật lớn lao và có giá trị đến đời đời. Quý vị muốn chứ. Đừng sống một cuộc đời không có niềm đam mê.

Một trong những lý do tôi rất yêu mến khải tượng của các buổi hội nghị Passion 98, Passion 99 và OneDay đó là lời tuyên bố 268 trở nên rất rõ ràng qua cuộc đời của tôi. Lời tuyên bố nầy được lấy từ Ê-sai 26:8 - "Hỡi Đức Giê-hô-va, thật chúng tôi đứng trên đường phán xét mà trông đợi Ngài; danh Ngài, là sự ghi nhớ Ngài, vốn là sự ao ước của linh hồn chúng tôi". Ở đây không chỉ có thân xác vật lý mà có một linh hồn nữa. Không chỉ linh hồn không thôi, mà là một linh hồn với một niềm đam mê và khao khát. Khao khát nầy không chỉ đơn giản là muốn được để ý hay chơi bóng chày hay sưu tập những vỏ sò, ở đây đang nói về một khao khát cho một điều gì đó rất vĩ đại, tuyệt vời, đáng quý và đầy sự thỏa mãn - Danh Ngài và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời - "danh Ngài, là sự ghi nhớ Ngài, vốn là sự ao ước của linh hồn chúng tôi".

Đây là điều tôi sống để biết và mong đợi để được trải nghiệm. Tuyên ngôn sứ mạng cuộc đời của tôi và hội thánh mà tôi đang quản nhiệm đó là: "Chúng ta tồn tại - tôi tồn tại - để rải khắp nơi một khao khát về uy quyền của Đức Chúa Trời ở trên mọi sự cho muôn dân được vui mừng".

Quý vị không cần phải nói giống như tôi nói. Quý vị không cần phải nói giống như Louie Giglio nói (hay giống như Meth Moore hay Voddie Baucham nói).

Tìm Kiếm và Chia Sẻ Niềm Khao Khát Của Mình

Nhưng hễ làm gì, quý vị hãy tìm kiếm niềm khao khát của mình và tìm cách để chia sẻ, sống và chết với nó. Quý vị sẽ tạo nên sự khác biệt lâu dài. Quý vị sẽ trở nên giống như Phao-lô. Không một ai có được tâm trí với duy nhất một khải tượng trọn cả cuộc đời của mình như sứ đồ Phao-lô đã có. Ông có thể nói về nó với nhiều cách khác nhau.

Công vụ 20:24 chép rằng: "Nhưng tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời".

Một điều quan trọng: Kết thúc hành trình của mình, xong sự chạy của tôi.

Phi-líp 3:7-8 chép rằng: "Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ".

Tôi sẽ giúp quý vị như thế nào? Đức Chúa Trời sử dụng tôi như thế nào trong thời khắc nầy tại One Day để đánh thức tấm lòng quý vị cho một niềm khao khát duy nhất, một thực tại vĩ đại nhất sẽ giải phóng quý vị và khiến quý vị được tự do khỏi những mơ ước nhỏ nhoi và đem quý vị đi đến tận cùng cõi đất nầy?

Một Phân Đoạn Quan Trọng

Câu trả lời tôi nghĩ Chúa đã giúp tôi đó là: hướng họ đến với một câu Kinh Thánh gần nhất có thể và cho họ thấy tại sao sứ đồ Phao-lô lại nói như vậy.

Câu Kinh Thánh ở trong Ga-la-ti 6:14 chép rằng: "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!"

Hay nói một cách thật quả quyết đó là: Chỉ Kheo Mình Về Thập Tự Giá. Đó là một ý tưởng duy nhất. Một mục tiêu duy nhất. Một khao khát duy nhất. Chỉ kheo mình về thập tự giá. Từ có thể đổi thành "hân hoan" hay "vui mừng". Chỉ hân hoan về thập tự giá của Đấng Christ. Chỉ vui về thập tự giá của Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô nói rằng hãy để điều nầy trở thành khao khát duy nhất của quý vị, sự kheo mình duy nhất, niềm vui và sự hân hoan duy nhất của quý vị. Trong những giây phút rất quý giá nầy gọi là ONE DAY, hãy để MỘT ĐIỀU DUY NHẤT mà quý vị yêu quý, điều duy nhất mà quý vị trân trọng, điều duy nhất mà quý vị vui và hân hoan, đó là thập tự giá của Chúa Jêsus Christ.

Điều nầy gây sốc vì hai lý do

  1. Lý do đầu tiên, giống như nói rằng: Chỉ khoe mình về ghế điện. Chỉ hân hoan về căn phòng giết người bằng khí ga. Chỉ vui về mũi tiêm gây chết người. Hãy để điều duy nhất mà tôi sẽ khoe mình, vui và hân hoan dành cho sợi dây treo cổ. "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Không có kiểu hành hình nào được con người tạo ra đầy ghê gớm và tàn ác bằng việc đóng đinh con người vào thập tự giá. Nó thật kinh khủng. Quý vị sẽ không dám nhìn tận mắt đâu - không thể không thét lên, giật tóc, xé quần áo của mình. Hãy để điều nầy là niềm khao khát duy nhất cho cuộc đời của quý vị.

  2. Đó là điều duy nhất khiến chúng ta bị sốc khi nghe thấy những lời của Phao-lô. Một lý do nữa đó là: ông nói đây là điều duy nhất ông kheo mình trong cuộc đời của ông. Niềm vui duy nhất. Sự hân hoan duy nhất. "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta".

Ông muốn nói gì? Thật vậy sao? Không có điều nào khác ư? Không có sự hân hoan nào khác sao? Không có niềm vui nào khác ngoại trừ thập tự giá của Chúa Jêsus - sự chết của Chúa Jêsus sao?

Nhưng không phải sứ đồ Phao-lô cũng khoe mình về những điều khác sao?

Còn những chỗ chính Phao-lô dùng cũng những từ "kheo mình" hay "hân hoan" về những điều khác thì sao? Vì dụ:

Rô-ma 5:2 chép rằng: "Chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời".

Rô-ma 5:3, "chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy".

II Cô-rinh-tô 12:9 chép rằng: "tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi".

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19 chép rằng: "Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?"

Vậy, nếu sứ đồ Phao-lô có thể kheo mình và vui mừng về những điều khác, ông có ý gì - khi nói ông "chẳng khoe mình, trừ ra kheo về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ"?

Nhưng điều đó có nghĩa gì? Như vậy không phải là nói hai lời sao? Ông vui về một điều và mới nói như vậy, ông lại chuyển sang hân hoan một điều khác sao? Không. Có một lý do rất sâu sắc khi nói như vậy - đó là tất cả sự hân hoan, sự vui mừng, sư khoe mình trong mọi sự phải luôn là niềm vui về thập tự giá của Chúa Jêsus Christ.

Ông có ý nói rằng, với Cơ Đốc nhân, tất cả mọi sự khoe mình, phải luôn khoe về thập tự giá. Tất cả sự hân hoan về bất kỳ điều gì phải luôn hân hoan về thập tự giá. Nếu quý vị hân hoan trong sự trông cậy vinh hiển, quý vị nên hân hoan về thập tự giá của Đấng Christ. Nếu quý vị vui trong thử thách vì thử thách sanh ra sự trông cậy, quý vị nên vui mừng về thập tự giá của Đấng Christ. Nếu quý vị vui trong sự yếu đuối của mình, hay với những người của Đức Chúa Trời, quý vị nên vui mừng về thập tự giá của Đấng Christ.

Tại Sao Chỉ Khoe Mình Về Thập Tự Giá Là Trọng Tâm Của Mọi Sự

Tại sao lại như vậy? Vì: đôi với tội nhân được cứu rỗi, mọi sự tốt lành - thật ra, Đức Chúa Trời khiến điều dữ trở nên điều lành - được ban cho chúng ta bởi thập tự giá của Đấng Christ. Trừ ra sự chết của Đấng Christ, tội nhân chẳng nhận được gì khác ngoài sự đoán xét. Trừ ra thập tự giá của Đấng Christ, chỉ có sự kết tội mà thôi. Vì thế, trong mọi sự mà quý vị có trong Đấng Christ - là một Cơ Đốc nhân, là người tin Đấng Christ - đều có được vì cớ sự chết của Đấng Christ. Và tất cả sự vui mừng trong mọi sự của quý vị cần phải, theo đó, là vui mừng về thập tự giá, là nơi mà tất cả những ơn lành được chuộc lại cho quý vị bởi sự chịu chết của Con Đức Chúa Trời, là Chúa Jêsus Christ.

Một trong những lý do chúng ta không thể xem Đấng Christ là trọng tâm và vác lấy thập tự giá như chúng ta được kêu gọi đó là chúng ta không nhìn biết rằng mọi sự - mọi sự tốt lành và mọi điều dữ mà Đức Chúa Trời đã khiến trở nên sự tốt lành cho con cái của Ngài đều đã được chuộc vì cớ Đấng Christ đã chịu chết cho chúng ta. Chúng ta chỉ nhận lấy mọi thứ: sự sống, hơi thở, sức khỏe, bạn bè với tư cách là nhận lãnh. Chúng ta nghĩ đó là của chúng ta vì chúng ta có quyền nhận lãnh những điều đó. Nhưng thật ra không phải như vậy.

Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng.

  1. Chúng ta là những tạo vật và Đấng Tạo Hóa của chúng ta không bị ép buộc phải ban cho chúng ta mọi thứ - sự sống, sức khỏe hay bất kỳ điều gì. Ngài ban cho, Ngài cất đi, Ngài chẳng làm sự gì bất công với chúng ta.

  2. Bên cạnh việc chúng ta là những tạo vật không có quyền đòi hỏi gì cả đối với Đấng Tạo Hóa, chúng ta còn là tội nhân nữa. Chúng ta thiếu mất sự vinh hiển của Ngài. Chúng ta khước từ Ngài, không vâng phục Ngài, không yêu mến Ngài và tin cậy Ngài. Cơn thạnh nộ đầy sự công bình của Ngài chống lại chúng ta. Những gì chúng ta xứng đáng nhận từ Ngài là sự đoán xét. Bởi đó, mỗi hơi thở chúng ta có được, mỗi giây phút nhịp tim của chúng ta còn đập, mỗi ngày mặt trời mọc lên, mỗi thời khắc chúng ta còn nhìn thấy được bằng đôi mắt của mình hay nghe bằng lỗ tai của chúng ta hay có thể nói bằng miệng hay bước đi bằng đôi chân là món quà miễn phí mà tội nhân như chúng ta không xứng đáng nhận lãnh ngoại trừ sự đoán xét mà thôi.

Và ai đã chuộc tất cả điều nầy cho chúng ta? Chúa Jêsus Christ. Và Ngài đã chuộc lại những điều đó như thế nào? Bằng chính huyết của Ngài.

Tại Sao Đức Chúa Trời Ban Cho Chúng Ta Những Điều Đó

Mỗi ơn phước trong cuộc đời nầy đều được ấn định để tán dương thập tự giá của Đấng Christ, hay nói cách khác, điều lành trong đời sống của chúng ta là để tán dương Đấng Christ và sự chịu đóng đinh của Ngài. Ví dụ như: tuần vừa rồi chúng tôi đi chiếc xe đời 1991 Dodge Spirit, không có ai bị thương. Và trong tính chất an toàn đó tôi thấy vui. Tôi thấy hạnh phúc ở trong điều đó. Nhưng tại sao không một ai bị thương? Đó là một sự ban cho dành cho tôi và gia đình tôi mà chẳng một ai trong số chúng tôi xứng đáng có được điều đó cả. Chúng ta là những tội nhân và tự nhiên làm con cái của sự thạnh nộ, không biết Đấng Christ. Vậy làm thế nào chúng ta lại có được một món quà tốt lành dành tặng cho chúng ta như thế? Câu trả lời đó là: Đấng Christ đã chịu chết thay cho tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá, Ngài đã dời cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời khỏi chúng ta, Ngài cứu rỗi chúng ta, dù chúng ta chẳng xứng đáng, ân điển vô hạn của Đức Chúa Trời khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho chúng ta. Vậy, khi tôi thấy vui trong sự an toàn đó, tôi đang cảm thấy vui với thập tự giá của Đấng Christ.

Và bảo hiểm trả cho chúng tôi 2800 đô-la cho chiếc xe và Noel đã lấy số tiền đó đi đến Iowa, mua một chiếc 92 Chevy Lumina rồi lái về nhà trong khi trời tuyết. Bây giờ, chúng tôi có được một chiếc xe khác. Tôi thấy vui vì ân điển lạ lùng quá đỗi dư dật. Cũng như vậy. Quý vị phá hỏng chiếc xe của mình. Quý vị không bị thương. Bảo hiểm trả hết mọi phí tổn. Quý vị có được một chiếc xe mới. Và tiếp tục sống như thể chưa có gì xảy ra cả. Rồi trong sự cảm tạ tôi cuối đầu và cảm thấy vui trước sự thương xót không thể nói lên lời dù nó chỉ là những điều rất nhỏ nào đó. Sự thương xót nầy đến từ đâu? Nếu quý vị là tội nhân đã được cứu, một người tin Chúa Jêsus, tất cả đều xuất phát từ thập tự giá. Không có thập tự giá, chỉ có sự đoán xét mà thôi - sự nhịn nhục và sự thương xót chỉ một lúc, sau đó, nếu phá hỏng, thì mọi điều thương xót chỉ càng khiến cơn thạnh nộ trở nên kinh khủng hơn mà thôi. Do đó, mỗi một sự ban cho là một món quà được chuộc bằng huyết. Và thập tự giá là lý do duy nhất để khoe mình, vui mừng và hân hoan.

Khốn thay nếu tôi vui mừng trong những phước hạnh mà không vui với thập tự giá của Đấng Christ.

Một cách khác để nói đó là: thập tự giá là sự vinh hiển của Đấng Christ. Mục đích của Đức Chúa Trời dành cho thập tự giá đó là Đấng Christ được tôn vinh. Khi sứ đồ Phao-lô nói trong Ga-la-ti 6:14 rằng: "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta", ông nói rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là để cho thập tự giá mãi mãi được khen ngợi - tức là sự chịu đóng đinh của Đấng Christ luôn là điều để kheo mình, vui mừng và sự hân hoan, là sự khen ngợi của chúng ta - nghĩa là Đấng Christ luôn được vinh hiển, những lời cảm tạ, tôn trọng vì cớ những điều tốt lành trong đời sống của chúng ta - cũng như mọi điều dữ mà Đức Chúa Trời đã khiến trở nên điều lành cho chúng ta.

Giáo Dục Để Được Vui Mừng

Nhưng câu hỏi như sau: Nếu mục đích của Đức Chúa Trời đối với sự chết của Đấng Christ - tức là: "Sự chịu đóng đinh của Đấng Christ" được tôn trọng và vinh hiển trong mọi sự, thì làm thế nào Đấng Christ có được sự vinh hiển mà Ngài đáng phải nhận? Câu trả lời là con cái, những người trẻ lẫn bậc trung niên cần phải được dạy dỗ như vậy. Hay nói cách khác rằng: để thập tự giá của Đấng Christ trở nên niềm vui mừng thì cần phải có sự giáo dục về thập tự giá của Đấng Christ.

Đó là công việc của tôi: để Chúa Jêsus được vinh hiển thì cần phải dạy dỗ quý vị những điều nầy. Còn đối với quý vị, để Chúa Jêsus tiếp tục được vinh hiển thì cần phải sống và dạy dỗ những điều nầy cho càng nhiều người hơn nữa. Dạy về Chúa Jêsus là để vui mừng trong Chúa Jêsus. Còn nếu chúng ta muốn khoe mình không gì khác ngoài thập tự giá, chúng ta phải đeo đuổi sự dạy dỗ về thập tự giá - và vác thập tự giá.

Hay chúng ta nên nói rằng: "ở trên thập tự giá". Dạy dỗ về thập tự giá sẽ dẫn đến việc tán dương thập tự giá. Ý tôi là gì?

Hãy để ý phần còn lại của câu 14: "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!" Sự khoe mình về thập tự giá xảy ra khi quý vị đang ở trên thập tự giá. Không phải đó là những gì câu 14 đang nói sao? Thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy. Thế gian với tôi coi như đã chết, và tôi đối với thế gian cũng vậy. Tại sao? Bởi vì tôi đã bị đóng đinh. Chúng ta học cách khoe mình về thập tự giá và tán dương thập tự giá khi chúng ta đang ở trên thập tự giá.

Khi Quý Vị Bị Đóng Đinh Với Đấng Christ

Điều nầy có nghĩa gì? Nó xảy ra khi nào? Quý vị bị đóng đinh khi nào? Câu trả lời nằm ở Ga-la-ti 2:20, "Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi". Khi Đấng Christ chết, chúng ta cũng chết. Ý nghĩa cao cả về sự chết của Đấng Christ là khi Ngài chết, tất cả mọi điều thuộc về Ngài đều chết trong Ngài. Sự chết, mà Ngài đã chịu chết thay cho tất cả chúng ta, trở thành sự chết của chúng ta khi chúng ta hiệp một với Ngài trong đức tin.

Nhưng quý vị nói rằng: "Không phải tôi vẫn đang sống sao? Tôi còn sống mà". Đây là lý do cần phải có sự giáo dục. Chúng ta cần phải biết điều gì đã xảy ra với chúng ta. Chúng ta cần phải được học biết về điều nầy. Đó là lý do vì sao Ga-la-ti 2:20 và 6:14 được ghi chép lại trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đang dạy chúng ta biết điều gì đã xảy ra với chúng ta, hầu cho chúng ta biết mình và biết đường lối mà Ngài đang hành động trong đời sống của chúng ta, để vui mừng trong Ngài, trong Con Ngài và về thập tự giá.

Vì thế, chúng ta nên đọc lại Ga-la-ti 2:20 để nhìn thấy điều đó, Đúng, chúng ta đã chết và đúng, chúng ta sống. "Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ [vậy thì tôi coi như chết, và ông tiếp tục], mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi [tại sao? Vì tôi đã chết, tức là: cái tôi nổi loạn và vô tín đã chết, rồi ông nói tiếp]; nay tôi còn sống trong xác thịt [vậy thì, Đúng là tôi sống, nhưng không phải là "tôi" giống như "tôi" đã chết ấy nữa], ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi". Nói cách khác, cái "tôi" còn sống là cái "tôi" mới trong đức tin. Những tạo vật mới. Những đời sống có Chúa Jêsus. Cái tôi trước kia đã chết trên thập tự giá với Chúa Jêsus rồi.

Và nếu quý vị hỏi rằng: "Điều quan trọng nhất để nối kết thực tế nầy là gì? Làm thế nào điều nầy dành cho tôi? Câu trả lời nằm ở chữ đức tin trong Ga-la-ti 2:20. "nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời". Đó là sự nối kết. Đức Chúa Trời ràng buộc quý vị với Con Ngài bằng đức tin. Và khi Ngài làm như thế thì có một sự hiệp nhất với Con Đức Chúa Trời hầu cho sự chết của Ngài trở thành sự chết của của quý vị và sự sống của Ngài trở thành sự sống của quý vị.

Bây giờ hãy tóm hết tất cả vào Ga-la-ti 6:14, "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!" Đừng khoe mình vì bất kỳ điều nào khác ngoài thập tự giá.

Trở Nên Hoàn Toàn Tập Trung Vào Thập Tự Giá Của Đấng Christ

Và làm thế nào tôi có thể trở nên hoàn toàn hướng về thập tự giá - hầu cho tất cả sự vui mừng của tôi đều hướng về thập tự giá? Câu trả lời là: nhận biết rằng khi Đấng Christ chết trên thập tự giá, quý vị cũng chết; và khi quý vị tin Ngài, thì sự chết của Ngài ảnh hưởng lên đời sống của quý vị. Sứ đồ Phao-lô nói rằng: thế gian đối với quý vị đã bị đóng đinh và quý vị đối với thế gian cũng vậy.

Nghĩa là: khi quý vị đặt niềm tin của mình nơi Đấng Christ, sự làm nô lệ của quý vị trong thế gian hoàn toàn bị phá bỏ, và những gì hấp dẫn của thế gian cũng bị xua tan. Quý vị là xác chết đối cùng thế gian, và thế gian là xác chết đối với quý vị. Hay nói cách tích cực hơn, theo như câu 15, quý vị là một "người mới". Con người cũ chết đi. Con người mới thì sống. Và người mới là sống bằng đức tin. Và đức tin vui mừng KHÔNG phải về thế gian, nhưng về Đấng Christ, và đặc biệt là sự chịu đóng đinh của Đấng Christ.

Đây là thể nào quý vị sẽ luôn hướng về thập tự giá để nói như sứ đồ Phao-lô rằng: "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Thế gian không còn là điều tôi ưa thích nữa. Nó không còn là sự sống của tôi, thỏa mãn tôi và khiến tôi vui mừng được nữa. Mà là Đấng Christ.

Nhưng về sự an tòa ở bên trong xe khi tại nạn xảy ra thì sao? Tiền bảo hiểm chi trả thì thế nào? Không phải trước đó ông nói rằng ông thấy hạnh phúc vì điều đó sao? Đó không phải là thế gian sao? Vậy thì ông đã chết về thế gian hay chưa?

Có. Tôi hy vọng. Bởi vì để chết với thế gian không có nghĩa là ra khỏi thế gian. Và không có nghĩa là không còn cảm giác gì về thế gian nữa - có vài điều tiêu cực và cũng có vài điều tích cực (I Giăng 2:15; I Ti-mô-thê 4:3). Nghĩa là những sở thích chính đáng trong thế gian trở thành chứng cớ cho tình yêu cứu chuộc bằng huyết của Đấng Christ, và một cơ hội để khoe mình về thập tự giá. Chúng ta chết đi với những chi trả của bảo hiểm khi tiền bạc không phải là điều khiến chúng ta thỏa mãn nữa, mà là sự bị đóng đinh của Đấng Christ, Đấng ban cho, làm thỏa mãn chúng ta. Khi tấm lòng của chúng ta cùng những tia sáng phước hạnh trở về với nguồn sự sống nơi thập tự giá, thì những điều được xem là quý giá của thế gian đều đã chết và sự chịu đóng đinh của Đấng Christ là tất cả những gì chúng ta cần.

Đó là mục đích của việc giáo dục để được vui mừng - về thập tự giá. Ôi! Nguyện Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta để mơ ước, dự định, làm việc, ban cho, dạy dỗ và sống cho sự vinh hiển của Đấng Christ và sự chịu đóng đinh trên thập tự giá của Ngài!